MÁI TRƯỜNG THÂN YÊU
Nguyễn
Công Thanh
Trưởng
khoa GD Tiểu học - Mầm non
Ngày 5 tháng 11 năm 1982, tôi đặt
chân đến Đắk Lắk, đến vùng đất xa lạ, chỉ biết trên bản đồ và trong sách vở một
cách tự nguyện theo sự rủ rê của anh bạn học cùng lớp. Chúng tôi đơn giản lắm.
Ra trường đi đâu cũng được, miễn là được ăn no, vài năm sau được trở về quê nhà
công tác. Thưở ấy, nhà nước có chính sách giáo viên miền xuôi lên công tác miền
núi, sau 4-5 năm sẽ được trở về quê. Bởi thế, tôi đã đến phòng tổ chức trường
Đại học Sư phạm Vinh xin hủy đăng ký đi Tiền Giang để “được” đến Đắk Lắk.
Chúng tôi vô cùng háo hức khi lần đầu tiên vượt
vĩ tuyến 17 vào Nam trên con tàu Thống nhất. Hồi ấy, dấu vết chiến tranh còn
khá rõ hai bên đường. Những xác xe pháo, vỏ đạn, bãi kẽm gai, lô cốt, … còn ngổn
ngang ở các căn cứ quân sự trước 1975 của địch. Hai chúng tôi vừa nhìn vừa bình
phẩm rất hào hứng như những nhà sử học đang đi tìm tài liệu. Do đó, chặng đường
từ Vinh vào Nha Trang chưa đến một ngàn cây số mà tàu đi hai ngày đêm không làm
chúng tôi sốt ruột.
Đèo Phượng Hoàng quanh co, hùng vĩ
không làm tôi hãi hùng. Những con đường đất đỏ bụi bặm không làm tôi nản chí.
Những trận gió mùa khô lạnh lẽo cũng chẳng là gì với chàng tuổi trẻ đang ấp ủ
mộng đẹp như tôi. Nhưng tôi thật sự thất vọng khi được phân công dạy các lớp 5
+ 3 - học sinh 100% là người dân tộc, nói tiếng Việt chưa sõi, nói gì đến bình
thơ, giảng văn! Ước mơ ra trường được dạy cấp III ở trung tâm thành phố, thị
xã, có học sinh thông minh, ngây thơ, trẻ trung, nhí nhảnh… tan thành mây khói.
Giá lúc ấy mà được gào lên: Bốn năm làm mọt sách không phải để dạy lớp 6! Bốn
năm ngốn hàng đống sách báo không phải để dạy “tập đọc”! thì nhẹ người biết
mấy. Nhưng gào sao được, khi cả tổ văn ai cũng phải dạy như thế! Ngày anh tổ
trưởng sinh ra, lớn lên ở cố đô Huế cũng đảm nhận một lớp 5+3 như tôi.
Sự bồng bột của tuổi trẻ rồi cũng qua
đi. Lúc này, tôi mới thực sự thấm thía lời dạy của Bác Hồ đối với văn nghệ sĩ kháng
chiến năm xưa:
“Hiện nay trình độ của đại đa số đồng
bào ta không cho phép đọc dài, điều kiện giấy mực của ta không cho phép viết
dài và in dài, thì giờ của ta, người lính đánh giặc, người dân đi làm, không
cho phép xem lâu. Vì vậy cho nên viết ngắn chừng nào tốt chừng ấy.
- Vì ai mà mình viết?
- Mục đích viết làm gì?
Phải đặt câu hỏi: Viết cho ai?
- Viết cho đại đa số: Công – Nông –
Binh.
Viết để làm gì?
- Để giáo dục, giải thích, cổ động,
phê bình. Để phục vụ quần chúng.
(“Cách viết”, Văn Hồ Chủ tịch, Nxb Giải phóng, 1973, tr. 210-214)
Tôi đã vận dụng lời dạy sâu sắc của
Ngươi để soạn bài lên lớp, tìm ra cách diễn đạt mộc mạc nhất, dễ hiểu nhất với
đối tượng học sinh lớp 6 người dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Dần dần các em yêu
quý, tôn kính tôi, gọi tôi là “nay Thanh” một cách trìu mến. Tôi cũng bắt đầu
đồng cảm với sự chân tình, ngay thẳng, bộc trực dễ thương của các em.
Tôi như một cánh chim hồ hởi tự nguyện bay vào
vòng xoáy của công việc. Những đợt thi giáo viên dạy giỏi, những đêm biểu diễn
văn nghệ, những giải đấu thể thao… đã cuốn hút tôi, xóa đi sự buồn rầu, chán
nản trong tôi. Những đợt cắm trại, những ngày dã ngoại làm tôi say đắm. Tôi bắt
đầu yêu mảnh đất và con người Tây Nguyên. Tình yêu đến lúc nào không biết. Đây
không phải là thứ tình “trăm hình muôn trạng: cái tình đằm thắm, cái tình
thoảng qua, cái tình gần gụi, cái tình xa xôi... cái tình trong giây phút, cái
tình ngàn thu” như của Lưu tiên sinh thuở trước, mà là tình yêu chân tình, mộc
mạc, đằm thắm, sâu sắc, bền chặt.
* * *
Thời gian “thắm thoát thoi đưa”, mới
ngày nào đó mà đã hơn 36 năm-quãng thời gian gần trọn cả một sự nghiệp. 36 năm
với bao biến đổi, thăng trầm nhưng cuộc đời tôi vẫn luôn gắn bó với mái trường
Cao đẳng Sư phạm. Trường là ngôi nhà ấm áp che chở tôi khỏi phong ba, giá rét. Trường
là người định hướng dìu dắt, nâng đỡ tôi trưởng thành. Trường là ngọn gió lành
chắp cánh ước mơ tôi thêm bay bổng. Trường là người mẹ ân cần an ủi, vỗ về khi
tôi thất vọng. Trường là người bạn tâm tình thủ thỉ, động viên khi tôi gặp
chuyện bất trắc…
Từ một cử nhân sư phạm, gia tài là
hai bộ quần áo cũ sờn và một ít kiến thức sách vở thu lượm được trong bốn năm
đại học, tôi đã có tất cả. Tôi đã có người bạn đời hiền dịu, vầng trán thông
minh, đôi mắt chan chứa yêu thương. Đôi mắt ấy biết nói, biết vỗ về, biết xoa
dịu nỗi đau của người khác. Cũng từ ngôi trường này, tôi đã có hai đứa con
ngoan, thông minh, học giỏi. Các “thiên thần” của tôi được sinh ra, lớn lên
trong vòng tay âu yếm của mái trường Sư phạm. Trường Cao đẳng Sư phạm không chỉ
“nuôi” các cháu bằng vật chất mà quan trọng hơn là tạo môi trường học tập, môi
trường rèn luyện để các cháu phấn đấu vươn lên. Tuy không theo nghề dạy học,
thậm chí không trở về Đắk Lắk làm việc nhưng mái trường Cao đẳng Sư phạm vẫn in
đậm trong tâm trí các cháu. Dù ở phương trời xa nhưng lòng các cháu vẫn hướng
luôn về trường Cao đẳng Sư phạm ấm áp thân yêu.
Dưới mái trường Cao đẳng Sư phạm, bản
thân tôi không ngừng trưởng thành. Trường đã giác ngộ, giáo dục lý tưởng để tôi
phấn đấu trở thành đảng viên Cộng sản. Trường đã động viên, khích lệ, giúp đỡ
cho tôi xong học Cao học, có bằng Thạc sĩ. Trường tạo điều kiện giúp tôi trở
thành Giảng viên chính. Tôi ăn cơm trường, uống nước trường, hít thở không khí thơm
nồng, quyến rũ của hương ngọc lan hòa quyện với hương thiếu nữ trẻ trung, xinh
tươi lan tỏa khắp giảng đường Cao đẳng. Trường là niềm tin, là cuộc sống của
tôi! Là một phần máu thịt của tôi! Tôi rất tự hào và hãnh diện khi mình là
giảng viên của trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk.
Giảng viên, công nhân viên nhiều thế
hệ trong trường là những đồng nghiệp tuyệt vời của tôi. Đối với tôi, họ là thầy
cô, anh chị, bạn bè… Sống và làm việc cùng họ tôi cảm thấy ấm áp, gần gũi, tự
tin. Nhiều lãnh đạo của trường đã dìu dắt tôi trưởng thành. Nhiều thầy cô đã
truyền kinh nghiệm quý báu cho tôi trong những ngày mới chập chững vào nghề. Nhiều
đồng nghiệp đã trở thành bạn tri kỷ của tôi. Nhiều thế hệ học sinh, sinh viên đã
để lại dấu ấn đẹp đẽ về tình thầy trò không bao giờ phai nhạt trong tôi.
Lòng tôi không bao giờ quên công ơn
của thầy Thái Văn Khoa - Người đã hỏi vợ cho tôi, giúp tôi chín chắn hơn trong
thời bồng bột của tuổi trẻ. Thầy Nguyễn Đức Túy, thầy Trương Văn Tỵ đã dìu dắt
tôi trưởng thành. Thầy Đặng Văn Chấn đã động viên, nâng đỡ tôi những lúc khó
khăn, gian khổ. Thầy Nguyễn Như Lương đã khích lệ tôi học tập nâng cao trình
độ. Thầy Phạm Vũ Luật đã tạo điều kiện về thời gian cho tôi chăm lo tổ ấm gia
đình, nuôi dạy con cái học hành. Thầy Nguyễn Trọng Hòa đã tin tưởng giao công
việc, giúp tôi được cống hiến sức lực, trí tuệ của mình cho mái trường thân yêu
trong những năm cuối cùng của sự nghiêp…
Tuy không phải là người đặt những viên
gạch đầu tiên xây nên mái trường yêu dấu này nhưng tôi đã hiến dâng toàn bộ
tuổi trẻ, cuộc đời, sự nghiệp cho quá trình xây dựng và phát triển của trường. Dù
ở cương vị công tác nào, dù đang làm việc hay sau này nghỉ hưu, trường Cao đẳng
Sư phạm Đắk Lắk mãi mãi là ngôi nhà ấm cúng của tôi, là “bài ca không quên”
trong trái tim tôi.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11,
xin kính tặng các thầy cô giáo và các thế hệ sinh viên Sư phạm mấy lời tri ân:
Làm nghề dạy
học thật vinh
Nhân tài đất
nước do mình tạo ra
Thời gian
không thể xóa nhòa
Ơn người gieo
chữ nở hoa bốn mùa!