Lịch sử hình thành và phát triển trường Cao đẳng sư phạm Đắk Lắk
Cập nhật lúc: 20/05/2014 16:14 0
Cập nhật lúc: 20/05/2014 16:14 0
Lịch sử hình thành
Ngay sau khi giải phóng miền Nam, để thực hiện nhiệm vụ đào tạo đội ngũ giáo viên cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã chủ trương thành lập các trường Sư phạm ở miền Nam. Tháng 10/1975, Bộ điều 12 giáo viên và cán bộ giáo dục vào Đắk Lắk chuẩn bị cho việc thành lập trường Sư phạm cấp II tại đây.
Ngày 19/01/1976, Bộ Giáo dục quyết định thành lập Trường Sư phạm cấp II Buôn Ma Thuột (trực thuộc Bộ) tại Quyết định số 145/QĐ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Chức năng, nhiệm vụ của trường là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cấp 2 (trung học cơ sở) cho 2 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai - Kon Tum (nay là 4 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum).
Ngày 16/5/1976, tại công văn số 650/TC, Ban Tổ chức Chính phủ ghi ý kiến của Thủ tướng Chính phủ trả lời tờ trình số 1105/TCCB ngày 11/5/1976 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục về việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép thành lập Trường Cao đẳng Sư phạm Buôn Ma thuột trực thuộc Bộ Giáo dục trên cơ sở trường Sư phạm cấp II Buôn Ma Thuột. Ngày 21/3/1978, tại quyết định số 164/TTg, Thủ tướng Chính phủ công nhận Trường Cao đẳng Sư phạm Buôn Ma Thuột (cùng với 15 trường Cao đẳng Sư phạm khác trong cả nước, trong đó có Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội và Trường Cao đẳng Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) và trường thuộc hệ thống giáo dục Đại học quốc gia, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tháng 9/1989, trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo bàn giao cho tỉnh Đắk Lắk quản lý.
Ngày 08/02/1993 Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định số 77/QĐ-UB sáp nhập Trường Trung học Sư phạm Đắk Lắk (thành lập ngày 29/11/1975, chức năng nhiệm vụ là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cấp 1 (Tiểu học) cho địa phương) vào Trường Cao đẳng Sư phạm Buôn Ma Thuột và đổi tên thành Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk.
Ngày truyền thống của trường là ngày 16/5/1976.
Lớp học những năm 80 thế kỉ trước
(Trong ảnh là sinh viên lớp Văn K9 - 1983-1986)
Quá trình xây dựng và phát triển
Thời kì đầu thành lập, trường có 25 cán bộ, giáo viên. Tháng 1-1976, trường tuyển sinh đào tạo khóa đầu tiên, hệ ngắn hạn 10+1 (12+1) 1 năm, gồm hai ngành Sư phạm Toán Lý và Sư phạm Văn Sử. Từ khóa 2 (tuyển sinh tháng 12/1976) cho đến khóa 4 đào tạo hệ hai năm 10+2 (12+2) gồm bốn ngành Sư phạm: Văn - Tiếng Việt, Toán Lý, Sinh Hóa, Sử Địa. Từ khóa 5 trở đi, trường đào tạo chuẩn Cao đẳng chính quy 3 năm 10+3 (12+3).
Năm 1980, trường thành lập 4 Khoa đào tạo: Khoa Toán Lý, Khoa Văn Sử, Khoa Sinh Hóa Địa, Khoa Dự bị. Tháng 9/1989 giải tán khoa Dự bị. Tháng 4/1991 thành lập Khoa Ngoại ngữ và Ban đào tạo Giáo viên Tiểu học (tương đương một khoa).
Tháng 9/1994, sau khi sáp nhập Trường Trung học Sư phạm Đắk Lắk, trường giải thể các khoa và thành lập các bộ môn thuộc trường.
Tháng 9/1996, trường thành lập lại 5 khoa: Khoa Tự nhiên, Khoa Xã hội, Khoa Ngoại Ngữ, Khoa Tiểu học, Khoa Bồi dưỡng. Tháng 4/2008, giải thể khoa Tiểu học.
Hiện nay, trường có 5 khoa: Khoa Khoa học Tự nhiên, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa Ngoại ngữ - Tin học – Kinh tế, Khoa Giáo dục Tiểu học - Mầm non, Khoa Giáo dục thường xuyên.
Đội ngũ cán bộ, viên chức của trường hiện nay có 152 người; giảng viên và cán bộ quản lý hưởng lương giảng viên là 117. Về trình độ, có 2 tiến sĩ, 3 NCS, 58 thạc sĩ, 05 đang học thạc sĩ, 61 cử nhân.
Cơ sở vật chất của trường xây dựng kiên cố và từng bước được trang bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và đời sống sinh hoạt của cán bộ, viên chức và sinh viên nhà trường.
Hiện nay, trường có 26 mã ngành đào tạo hệ Cao đẳng với 35 chương trình (trong đó có 9 ngành ngoài sư phạm); 2 mã ngành hệ Trung cấp Sư phạm với 3 chương trình đào tạo.
Trường liên kết với các trường đại học khác đào tạo trình độ đại học cho sinh viên của trường đã tốt nghiệp hệ Cao đẳng chính qui; đào tạo nghiệp vụ sư phạm; bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục.
Gần 40 năm hình thành và phát triển, Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp giáo dục của địa phương. Hàng vạn sinh viên do trường đào tạo đã trở thành lực lượng nòng cốt trong đội ngũ giáo viên Tiểu học, Trung học Cơ sở của Đắc Lắc nói riêng và các tỉnh khác ở Tây Nguyên nói chung.
Thành tích xuất sắc của nhà trường trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã được Nhà nước ghi nhận bằng những phần thưởng cao quí:
- Bằng khen của Chính phủ (năm 2009)
- Cờ thi đua của Chính phủ (năm 2010, 2012)
- Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2001)
- Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2011)
Phát huy những thành tựu đã đạt được, trong những năm tới trường tiếp tục củng cố và nâng cao năng lực về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu của một trường đa cấp, đa ngành và định hướng nghề nghiệp - ứng dụng để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và một số loại hình cán bộ các ngành nghề khác với chất lượng cao; trong đó đặc biệt chú trọng bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người học, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục và phát triển kinh tế-xã hội trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0