Nghề giáo - Nguyễn Thành Long
Cập nhật lúc: 11/11/2022 16:16 2561
Cập nhật lúc: 11/11/2022 16:16 2561
NGHỀ GIÁO
Nguyễn Thành Long, bộ môn Ngữ văn,
Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk
1. Hôm ấy mệt nên tôi đi ngủ sớm. Có lẽ tôi đã ngủ một giấc khá dài, bỗng có tiếng chuông điện thoại reo giữa đêm khuya. Tôi cầm điện thoại nhưng không mở mắt: -A lô! Ai đấy ạ?
- Thầy ơi, em được tuyển dụng rồi! -Tiếng nói ở đầu bên kia vang lên nghẹn ngào vừa sung sướng vừa xúc động.
- Hằng đó hả em? Tôi ngồi bật dậy.
- Vâng, em đây thầy ơi! Em mới nhận quyết định tuyển dụng, mừng quá nên em khoe thầy.
- Mừng cho em nhé, thầy vui lắm!
- Em cám ơn thầy, nhờ thầy động viên mà em đủ kiên trì đến hôm nay!
Đó là cuộc điện thoại giữa đêm khuya của cô học trò tôi rất yêu quý trong lớp tôi chủ nhiệm mấy năm ở trường sư phạm. Tốt nghiệp nhưng thi trượt tuyển dụng viên chức, cô bé về quê Nam Định dạy hợp đồng hơn chục năm mới được tuyển dụng. Thế là tôi lại có thêm một học trò chính thức thành đồng nghiệp, suốt từ lúc đó tới sáng tôi không ngủ lại được nữa.
2. Một buổi chiều (cách nay đã ba chục năm rồi), có mấy trò nam đến nhà tôi lúc trời đã gần tối. Tôi ngạc nhiên hỏi xem chúng đi bằng gì đến nhà tôi. Loanh quanh ấp úng mãi, cuối cùng tôi sửng sốt khi biết chúng đã đi bộ từ trường sư phạm đến nhà tôi, nào có gần gận gì, chắc phải mười hai mười ba cây số! Tôi bắt một con gà đưa một đứa làm thịt, nấu một nồi cơm đầy và mua vài chai bia Bến Thành về mấy thầy trò ăn uống tíu tít rồi trải chiếu trong phòng khách bé tí nhà tôi, gác chân lên nhau trò chuyện đến khuya, giục mãi chúng mới ngủ. Sớm mai, vợ tôi hầm một nồi bắp nếp cùng đậu đen, bỏ chút đường vào, mỗi đứa ăn một bát to rồi lại đi bộ về trường (vì cả nhà thầy cũng chỉ có mỗi một chiếc xe đạp cà tàng!). Bây giờ, mỗi lần gặp lại trong dịp hội lớp hay cưới con đứa nào đấy, chúng lại ôm lấy tôi rơm rớm nước mắt mà đòi ăn thịt gà cùng… bắp bung.
3. Có một lần tôi rủ cô con gái đang học lớp 12 của tôi đi dự đám cưới một cậu học trò cũ. Đường khá xa, đến nơi còn phải tìm nhà hàng nơi tổ chức đám cưới nên khi hai bố con tôi bước vào thì hôn trường đã đầy người. Cả chú rể và cô dâu đều là giáo viên nên khách mời có rất nhiều người là trò cũ của tôi. Họ ùa ra xúm xít quanh hai bố con tôi, tay bắt mặt mừng. Suốt bữa tiệc, bàn của tôi khi nào cũng đông khách là trò cũ đến cụng li, thăm hỏi, trò chuyện. Tiệc tàn, các trò cũ của tôi lại tíu tít tiễn hai bố con tôi ra về. Quan khách hôm ấy thế nào cũng có người tưởng chắc tôi là ông to nào. Trên đường về, con gái tôi bảo: Hôm nay bố thành hot boy rồi nhé! Tôi đoán chuyện hôm ấy hẳn có tác động ít nhiều đến việc sau này nó thi sư phạm ngoại ngữ, giống như tôi đã quyết định thi sư phạm khi có lần chứng kiến trò cũ của bố tôi từ chiến trường về thăm thầy khi cả hai thầy trò đầu đã bạc.
Trong cuộc đời gần bốn mươi năm làm thầy của tôi đã có không ít chuyện buồn, những nỗi cơ cực, vất vả mà những ai làm nghề đều ít nhiều trải qua nhưng nếu chỉ có những chuyện ấy thôi thì có lẽ tôi đã bỏ nghề từ lâu. Chính những chuyện như tôi vừa kể là động lực, là niềm vui, niềm hạnh phúc giúp tôi đứng vững với nghề cho đến tận hôm nay. Với một ông giáo như tôi, còn có niềm vui và hạnh phúc nào lớn hơn nữa khi bước vào tuổi xế chiều vẫn thỉnh thoảng nhận được những cuộc điện thoại hỏi thăm, những cái ôm thật chặt và những giọt nước mắt rưng rưng của trò cũ! Một ông giáo nay sắp về hưu như tôi lại có đến hai đứa con chọn theo nghề của ông bà bố mẹ, chuyện này không phải là niềm vui lớn ư? Mong sao các trò cũ của tôi, hai đứa con của tôi có thể đi hết con đường gian nan cực khổ của nghề dạy học và cũng được hưởng những niềm hạnh phúc mà tôi đã từng được hưởng trên con đường ấy!
Ông lái đò
Bên sông, dưới gốc đa già,
Sớm chiều ông lão đưa đò qua sông.
Nắng mưa, gió bấc lạnh lùng,
Tháng ngày đã nhuộm tóc ông bạc rồi.
Người đi ngược, kẻ về xuôi,
Con đò nối những cuộc đời vào nhau.
Trên sông giờ bắc nhịp cầu
Cây đa đã gãy, còn đâu con đò.
Ai về qua bến sông xưa,
Nhớ chăng ông lái đò già năm nao?
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0