Đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong bối cảnh hiện nay
Cập nhật lúc: 09/05/2024 14:06 1704
Cập nhật lúc: 09/05/2024 14:06 1704
ĐẨY MẠNH TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH TRONG CÔNG TÁC
XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY
TS. Lữ Thị Hải Yến – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình
Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc sinh hoạt của Đảng, là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Thực hành tự phê bình và phê bình là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi và là đặc trưng phẩm chất cao quý của người đảng viên. Sinh thời, V.I. Lênin nhấn mạnh: “Tự phê bình là một việc tuyệt đối cần thiết cho hết thảy mọi chính đảng sống và đầy sức sống. Không gì tầm thường bằng chủ nghĩa lạc quan tự mãn”1.
Kế thừa và phát huy tư tưởng của V.I. Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn cán bộ, đảng viên: “Ra sức học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ”2. Người xem tự phê bình và phê bình như nếp sinh hoạt thường xuyên, như rửa mặt hằng ngày, phải cụ thể, chính xác; phải có thái độ cầu thị; đoàn kết, giúp đỡ nhau sửa chữa, tiến bộ. Người đề cao vai trò, giá trị của tự phê bình và phê bình; xem đó là một trong những việc cần làm thường xuyên của cán bộ, đảng viên. Người ví tự phê bình và phê bình như một loại “vũ khí sắc bén”; giúp cán bộ, đảng viên vượt qua mọi chông gai, thử thách, từ khi còn hoạt động bí mật, bị địch khủng bố gắt gao cho đến khi kháng chiến thắng lợi. Người nhận định: “Phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau. Mục đích là cho mọi người học ưu điểm của nhau và giúp nhau chữa những khuyết điểm”3. Trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay, việc tiếp tục phát huy và sử dụng “vũ khí sắc bén tự phê bình và phê bình” được xem là giải pháp cốt lõi để vận dụng, bổ sung và phát triển quan điểm “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” trong giai đoạn hiện nay.
Để góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và làm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, trước hết mỗi tổ chức Đảng cũng như mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần sâu sắc lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc thiêng liêng: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng”4.
Người khẳng định: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”5. Ngoài ra, để việc tự phê bình và phê bình thực hiện có hiệu quả, Người yêu cầu: Phải xuất phát từ tình đồng chí; thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, có lý, có tình, không phải để soi mói, nói xấu nhau, đập cho tơi bời, phải phê bình việc, chứ không phải phê bình người…; phải bảo đảm dân chủ, từ dưới lên và từ trên xuống; phải nhằm đến mục tiêu đoàn kết hơn, không chỉ đúng, mà còn phải khéo; phải tránh tình trạng “dĩ hòa vi quý”; đồng thời tránh tâm lý “phê bình sẽ bị cấp trên trù dập, phê bình đồng nghiệp sẽ bị mất lòng, phê bình cấp dưới sẽ bị mất phiếu” - đó là kiểu phê bình chiếu lệ, một chiều, mang tính hình thức thực chất là nói cho qua chuyện hoặc nói để lấy lòng nhau. Tự phê bình và phê bình là rất cần thiết, quan trọng và phải được tiến hành thường xuyên, lâu dài, nhưng phải “đúng lúc, đúng cách” và “phải biết tôn trọng lẫn nhau” 6.
Theo Hồ Chí Minh, toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên trong quá trình hoạt động không phải thánh thần, ai cũng có thể phạm sai lầm, khuyết điểm. Người xác định: “Đảng viên phần nhiều là những phần tử tốt, nhưng vẫn có một số chưa bỏ hết được những thói xấu tự tư, tự lợi, kiêu ngạo, xa hoa”7. Phải thực hiện tự phê bình và phê bình để phát hiện cái sai, điểm yếu và sửa chữa, đó là một vũ khí vô cùng lợi hại của Đảng, là nguyên tắc sinh hoạt của Đảng. “Một Đảng mà giấu diếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”8. Trong Di chúc, Người chỉ rõ, để củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng thì cần thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình và đó là cách tốt nhất.
“Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa. Muốn sửa chữa cho tốt thì phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình. Không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi. Đó là kết quả tất nhiên của chủ nghĩa cá nhân”; “Không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được”9. Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng” vào tháng 12 năm 1958. Hơn 65 năm trôi qua, lời Bác dạy không những còn nguyên giá trị lịch sử mà còn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay.
Người cũng thẳng thắn thừa nhận trong điều kiện Đảng cầm quyền, vẫn có một số ít đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân trói buộc mà trở nên kiêu ngạo, công thần, tự cao, tự đại; đáng phê phán hơn “họ phê bình người khác mà không muốn người khác phê bình họ; không tự phê bình hoặc tự phê bình một cách thật thà, nghiêm chỉnh. Họ sợ tự phê bình thì sẽ mất thể diện, uy tín. Họ không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Họ xem khinh những cán bộ ngoài Đảng”10. Trong thực hiện tự phê bình và phê bình, Hồ Chí Minh rất chú trọng công tác nêu gương. Người cho rằng một tấm gương sống còn hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền. Cho nên, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt phải nêu gương về đạo đức cách mạng, là tấm gương sáng cho quần chúng noi theo. Vì “đảng viên phạm sai lầm thì sẽ đưa quần chúng đến sai lầm”, cho nên “phải sẵn sàng và kịp thời sửa chữa”11 những sai lầm đó.
2. Vai trò, ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là di sản vô cùng quý giá mà Người đã để lại cho toàn Đảng, cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay. Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều chuyển biến, sự nghiệp đổi mới của đất nước đứng trước nhiều thử thách; một trong những thử thách vô cùng khắc nghiệt đối với vai trò lãnh đạo của Đảng cầm quyền là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; trong đó có những cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý; kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”12.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhận diện một hệ thống những biểu hiện cụ thể của sự suy thoái về các khía cạnh tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, đó là: “Trong phê bình còn giấu diếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng”13.
Thẳng thắn nhìn nhận những biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã đề ra 4 nhóm giải pháp, trong đó có nhóm giải pháp về “Tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cấp trên” được Trung ương Đảng xác định là nhóm giải pháp đầu tiên. Điều này cho thấy vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của tự phê bình và phê bình đối với công tác xây dựng Đảng.
Theo đó, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII tiếp tục khái quát 4 nhóm giải pháp, trong đó tự phê bình và phê bình là một nội dung quan trọng của nhóm giải pháp thứ nhất. Nghị quyết nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Xây dựng quy định tự phê bình và phê bình; khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm và bảo vệ người thẳng thắn, dám đấu tranh”14.
Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII ban hành Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Kết luận số 21-KL/TW xác định rõ 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp; trong đó nhấn mạnh giải pháp đầu tiên là “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình”15.
Như vậy, có thể thấy rằng, đi đôi với đổi mới về chính trị, tăng cường xây dựng Đảng ta vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức thì việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ thì vấn đề xuyên suốt, luôn được quan tâm, chú trọng đó là thực hành tự phê bình và phê bình trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
3. Đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong bối cảnh hiện nay
Để công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đi vào thực chất, hiệu quả hơn nữa, mỗi cán bộ, đảng viên cần không ngừng học tập, trau dồi và nâng cao đạo đức cách mạng; chú trọng thực hành, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành tự phê bình và phê bình; coi đó là một “thang thuốc đặc trị” các căn bệnh nguy hiểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay.
Một là, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII, trong đó có vấn đề tự phê bình và phê bình; coi đây là nhiệm vụ phải được thực hiện tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên bằng các giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ. Cần thấy rằng, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng hiện nay là giải pháp quan trọng, nhằm góp phần rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Hai là, thực hiện nghiêm Quy định số 08-QĐ/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu chính là “mệnh lệnh không lời”, trực tiếp truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nhân dân học tập, noi theo. Để thực sự nêu gương trong tự phê bình và phê bình, đòi hỏi mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, người đứng đầu cần tự giác, trung thực; tự phê bình thật nghiêm túc, khách quan, có lý, có tình, mang tính xây dựng cao; tập trung kiểm điểm về trách nhiệm đối với công việc và nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình; cần tránh việc có thành tích thì nhận, có khuyết điểm thì đùn đẩy, né tránh; không có tư tưởng dễ dãi, bao che hoặc tranh công, đổ tội. Chỉ có thật sự nêu gương tự phê bình và phê bình thì mới có thể củng cố được lòng tin, tinh thần đoàn kết trong cơ quan, đơn vị. Đối với cán bộ, đảng viên, phải chủ động tự phê bình, không được giấu diếm khuyết điểm; khi có khuyết điểm phải tự giác nhận kỷ luật và quyết tâm sửa chữa, khắc phục khuyết điểm. Đối với đồng chí, đồng nghiệp phải chủ động phê bình; giúp họ nhận rõ thiếu sót, khuyết điểm để kịp thời khắc phục; mạnh dạn phê bình những đồng chí lãnh đạo, cán bộ chủ chốt ở cơ quan, đơn vị nếu có khuyết điểm. Thực hiện tự phê bình và phê bình cần thiết thực, hiệu quả, cụ thể, gắn với những nội dung liên quan đến tư cách người đảng viên, với trách nhiệm, quyền hạn của cá nhân, đơn vị mình phụ trách; chỉ rõ những vấn đề mình làm được, chưa làm được, nguyên nhân và biện pháp khắc phục.
Ba là, tiếp tục thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Các ý kiến thể hiện sự giám sát của nhân dân được cơ quan tiếp nhận, trân trọng và giải quyết kịp thời, thỏa đáng. Cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt công tác dân vận; xây dựng mối liên hệ gắn bó máu thịt với nhân dân; phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân; tiếp thu ý kiến phê bình của nhân dân để kịp thời chấn chỉnh, sửa chữa.
Thế giới đang trải qua những biến động với diễn biến phức tạp và khó lường. Điều này đã, đang và sẽ tác động trực tiếp đến vai trò lãnh đạo của Đảng; yêu cầu đặt ra là phải thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình theo tư tưởng của Hồ Chí Minh. Để làm được điều đó, mỗi tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, đặc biệt là nguyên tắc nêu gương đối với các đồng chí lãnh đạo cấp ủy trong sinh hoạt Đảng. Thực hiện tốt nguyên tắc này, chắc chắn sẽ góp phần quan trọng, không chỉ giữ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và Đảng ta luôn trong sạch, vững mạnh mà còn củng cố lòng tin của các tầng lớp nhân dân vào Đảng; giúp cho mối quan hệ giữa Đảng và dân ngày càng bền chặt./.
[1] V.I. Lênin (2006), Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, Tập 10, Tr. 395-396.
[2] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, Tập 11, Tr. 603.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Sđd, Tr. 307.
[4] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, Tập 15, Tr. 622.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 15, Sđd, Tr. 672.
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Sđd, Tr. 307.
[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Sđd, Tr. 301.
[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Sđd, Tr. 301.
[9] Hồ Chí Minh (1958), Đạo đức cách mạng.
[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 11, Sđd, Tr. 608.
[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 6, Sđd, Tr. 608, 609.
[12] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư, Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Sđd, Tr. 22.
[13] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư, Ban chấp hành Trung ương khóa XII, Sđd, Tr. 29.
[14] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư, Ban chấp hành Trung ương khóa XII, Sđd, Tr. 38.
[15] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư, Ban chấp hành Trung ương khóa XIII, Sđd, Tr. 38.
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0