CÔNG TÁC KHẢO THÍ VÀ BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG CỦA TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM ĐẮK LẮK TRƯỚC YÊU CẦU ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO
Cập nhật lúc: 06/05/2024 08:02 1494
Cập nhật lúc: 06/05/2024 08:02 1494
CÔNG TÁC KHẢO THÍ VÀ BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG
CỦA TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM ĐẮK LẮK TRƯỚC YÊU CẦU
ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO
Công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng đã phát triển từ rất lâu và rất thịnh hành trong hệ thống giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới. Những năm gần đây, công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng đã trở thành xu thế tất yếu, đi kèm với đó là sự ra đời của các tổ chức, đơn vị bảo đảm chất lượng và các công cụ bảo đảm chất lượng.
Giảng đường trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk
Tập thể Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk luôn xác định công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng của Nhà trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động đào tạo, nhiệm vụ này được giao cho phòng Quản lý chất lượng - Khoa học và Công nghệ với vai trò là một đơn vị có chức năng tham mưu và giúp Hiệu trưởng trong việc quản lý, tổng hợp, đề xuất ý kiến, tổ chức thực hiện nhiệm vụ khảo thí và quản lý chất lượng đào tạo trong toàn trường, kiểm định chất lượng đào tạo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Với mục tiêu phải hướng đến sự đánh giá, duy trì và cải thiện chất lượng của mọi hoạt động chính yếu của Nhà trường như học tập, giảng dạy, nghiên cứu và cung ứng dịch vụ. Công tác khảo thí phải hướng tới việc đánh giá một cách khách quan, thực chất khả năng của sinh viên trong quá trình học tập và bảo đảm không ngừng cải tiến theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Công tác đảm bảo chất lượng phải đáp ứng tốt sứ mệnh, tầm nhìn, đạt các mục tiêu chiến lược mà Nhà trường đã đề ra, cũng như đáp ứng tốt yêu cầu của ngành giáo dục và đào tạo.
Một trong những điểm nổi bật của công tác khảo thí của Nhà trường trong thời gian qua là đã xây dựng được hệ thống các quy định về công tác khảo thí như: Quy chế tổ chức thi kết thúc học phần, thi tốt nghiệp cuối khóa. Công tác khảo thí được triển khai có hiệu quả, các hoạt động tổ chức thi, kiểm tra kết thúc học phần, môn học, khóa học bảo đảm sự chặt chẽ, khách quan, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, hạn chế tiêu cực và bệnh thành tích. Hệ thống câu hỏi thi, đáp án thi của các học phần, môn học đã bám sát nội dung, chương trình đào tạo, bảo đảm tính tổng hợp, vừa đáp ứng yêu cầu kiểm tra kiến thức cơ bản chuẩn đầu ra môn học, làm cơ sở cho việc đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động dạy và học.
Mặt khác, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả sinh viên đã tập trung vào đánh giá năng lực người học, tạo sự chuyển biến trong học thực chất, thi thực chất, cũng như phản ánh năng lực, phương pháp giảng dạy của giảng viên. Kết quả đào tạo này giúp Nhà trường xây dựng, điều chỉnh kế hoạch nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm sát với nhu cầu của thực tiễn. Công tác khảo thí có sự phối hợp nhịp nhàng với các đơn vị Phòng Đào tạo - Bồi dưỡng, Khoa Giáo dục Mầm non và Bộ môn chung, bảo đảm khách quan, minh bạch, bảo mật trong suốt quá trình lập kế hoạch, xây dựng đề thi, in sao, tổ chức thi, chấm thi và công bố điểm. Trong thời gian qua, phòng Quản lý chất lượng - Khoa học và Công nghệ.
Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với công tác bảo đảm chất lượng và coi đây là công tác cốt lõi hướng tới xây dựng chất lượng đào tạo của Trường. Trong thời gian qua, Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk đã xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động bảo đảm chất lượng giáo dục bên trong Nhà trường như: Thực hiện các đợt khảo sát lấy ý kiến phản hồi của sinh viên đối với giảng viên định kỳ hàng năm; khảo sát tình hình việc làm của sinh viên trước và sau khi tốt nghiệp; khảo sát cựu sinh viên, nhà tuyển dụng lao động, sinh viên toàn trường, tạo cơ sở dữ liệu để tiến hành điều chỉnh, sửa đổi, cải tiến chất lượng đào tạo của Trường;
Thực hiện quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hàng năm, Trường thực hiện đầy đủ hoạt động công khai các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo năm học cũng như tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường. Trường bước đầu triển khai công tác tự đánh giá chương trình đào tạo theo nội dung quy định của Luật giáo dục.
Tập thể viên chức phòng Quản lý chất lượng – Khoa học và Công nghệ
Để công tác khảo thí và bảo đảm chất lượng bên trong của Nhà trường hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, phòng Quản lý chất lượng - Khoa học và Công nghệ phải tổ chức các hoạt động khảo thí và bảo đảm chất lượng phải đi vào chiều sâu, cần chú trọng những nội dung sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên về tầm quan trọng về công tác khảo thí và bảo đảm chất lượng. Nhà trường cần có kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn về công tác khảo thí và bảo đảm chất lượng làm cơ sở triển khai công tác này.
Thứ hai, cần tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa các hình thức kiểm tra đánh giá, thi kết thúc học phần, chuẩn đầu ra.
Hiện nay, trong giáo dục, đào tạo có nhiều hình thức thi, kiểm tra như: Tự luận, vấn đáp, trắc nghiệm khách quan, bài tập lớn, tiểu luận... Mỗi hình thức có một thế mạnh và hạn chế riêng trong kiểm tra các mặt chất lượng học tập của sinh viên. Tuy nhiên, các hình thức kiểm tra, đánh giá này mới chỉ xác định được sự hiểu biết và vận dụng kiến thức, còn việc phân tích, tổng hợp, đánh giá, giải quyết một vấn đề thì còn rất hạn chế. Để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, cần phải kết hợp linh hoạt nhiều hình thức thi, kiểm tra đánh giá.
Để tiến hành các loại hình kiểm tra này một cách có hiệu quả, cần phải có sự hướng dẫn cụ thể với các yêu cầu rõ ràng của giảng viên, kết hợp tư vấn và giúp đỡ sinh viên kịp thời lúc cần thiết. Ngoài ra, giảng viên cũng cần phải đổi mới phương pháp dạy học nhằm đánh giá được năng lực của người học một cách khách quan, chính xác.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao ý thức tự giác của sinh viên trong quá trình thi, kiểm tra.
Thực tế qua công tác tổ chức thi cho thấy, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra có tác động mạnh mẽ tới ý thức tự giác của sinh viên trong việc chấp hành các quy định, quy chế về thi, kiểm tra, đánh giá. Do vậy, cần phải tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra hoạt động giáo dục, đào tạo, trong đó chú trọng vào khâu kiểm tra, đánh giá, tổ chức thi. Điều này góp phần bảo đảm cho việc thực hiện nghiêm túc các quy chế, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời tạo ra một thiết chế mạnh, một môi trường học tập lành mạnh, trung thực trong Nhà trường.
Thứ tư, xây dựng quy trình bảo đảm chất lượng tại các đơn vị làm cơ sở triển khai đồng bộ thống nhất theo quy chuẩn kiểm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thực tế hiện nay cho thấy, hầu hết các đơn vị hoạt động theo quy định chung của Trường mà chưa có các quy định, quy trình, quy chuẩn cho các đơn vị, dẫn đến nhiều công tác còn thiếu sót, chưa bài bản, gây khó khăn cho công tác đánh giá cải tiến chất lượng sau này.
Thứ năm, cần triển khai nhiều các hoạt động nghiên cứu khoa học trong giảng viên, cán bộ, tập trung vào các hoạt động bảo đảm chất lượng để các kết quả nghiên cứu này có thể trở thành cơ sở áp dụng vào thực tiễn giảng dạy tại Nhà trường. Hiện nay, hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên đa số tập trung vào lĩnh vực chuyên môn giảng dạy mà chưa có các nghiên cứu về các quy trình, quy chuẩn, quy định về bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng, dẫn đến đa số cán bộ, giảng viên chưa hình dung được tầm quan trọng của các hoạt động bảo đảm chất lượng theo yêu cầu bắt buộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thứ sáu, trích một phần học phí làm quỹ bảo đảm chất lượng để bảo đảm kinh phí thực hiện các hoạt động cho công tác này có hiệu quả hơn. Hiện nay, các hoạt động đều phụ thuộc vào nguồn kinh phí thường xuyên của trường nên đôi lúc các hoạt động không theo kế hoạch đã ban hành. Chính vì vậy, để các hoạt động khảo thí và bảo đảm chất lượng được đầy đủ, hiệu quả cần có nguồn kinh phí cố định để triển khai.
Việc tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác khảo thí và đảm chất lượng bên trong vẫn được coi là một trong những mục tiêu ưu tiên trong công tác bảo đảm chất lượng của Nhà trường. Hoạt động khảo thí và đảm chất lượng bên trong đòi hỏi phải ngày càng đi vào chiều sâu, đề cao tính hiệu quả và gắn kết chặt chẽ với các hoạt động cơ bản bao gồm cả hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và cung cấp dịch vụ cho cộng đồng, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, đảm bảo kiểm định Trường và kiểm định chương trình đào tạo đạt kết quả theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khẳng định được uy tín, thương hiệu của Trường trong hệ thống giáo dục./.
Bài và ảnh: Phòng Quản lý chất lượng – KH&CN
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0